9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư gần 4,4 tỷ USD vào bất động sản, tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo nhanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm nay. Tính đến 30/9, tổng vốn FDI gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023. Riêng trong tháng 9, tổng lượng vốn FDI đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,3 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 15,6 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ so với năm ngoái.
Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,4 tỷ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm ngoái, vốn FDI vào địa ốc đã tăng gấp 2,2 lần. Tiếp theo là ngành sản xuất, phân phối điện và bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,1 tỷ USD và hơn 920 triệu USD.
Theo hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield, Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi về thu hút đầu tư với tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Hiện tỷ lệ sinh lời của các phân khúc bất động sản nhà ở đạt khoảng 8-10% mỗi năm, cao hơn so với mức 2-3% một năm của một số nước trong khu vực.
Đơn vị tư vấn bất động sản CBRE cũng cho biết nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản tăng mạnh sẽ tạo nhiều cơ hội cho thị trường M&A (mua bán - sáp nhập). Hoạt động này đang giúp nhiều chủ đầu tư tìm lối thoát cho các dự án chậm tiến độ do thiếu vốn. Nhiều nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc.
Thị trường bất động sản khu Đông TPHCM.
Xét về khu vực, vốn ngoại tập trung vào các tỉnh thành như Bắc Ninh, TP HCM, Quảng Ninh, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang... Nhóm này chiếm khoảng 80% số dự án mới và gần 73% số vốn đầu tư của cả nước trong 9 tháng. Đây cũng là những địa phương có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, cải cách thủ tục hành chính và xúc tiến đầu tư.
Lũy kế đến tháng 9, cả nước có hơn 41.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 492 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 315 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo các chuyên gia, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không chỉ tăng về số lượng mà còn cải thiện tích cực về chất lượng các dự án đầu tư. CBRE dự báo trong hai năm tới, một lượng lớn vốn FDI tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý thủ tục hành chính, pháp lý và khan hiếm quỹ đất có thể trở thành rào cản khi dòng vốn FDI tìm đến Việt Nam.
(Nguồn-vnexpress)
+ Lê Văn Thuyên-0379136392:Cảm ơn quý vị và các bạn đã vào Website của Lê Thuyên! Lê thuyên rất mong nhận được sự góp ý của quý vị và các bạn cho sự phát triển của website này. Xin chân thành cảm ơn!
* Dũng Trung-090567448:Lê Văn Thuyên0379136392--->Ok.Anh!
* Bé Nguyễn-benguyen@gmail,com:Lê Văn Thuyên0379136392--->Good job!
+ -:
+ -: